|
Việt
Nam Văn Hiến
Năm
Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
Việt Nam Sử Lược
Trần
Trọng Kim
Chương 4
NHÀ
LÝ
(1010-1225)
I. LÝ
THÁI TỔ
1. Thái-tổ khởi nghiệp
2. Dời đô về Thăng-long thành
3. Lấy kinh Tam-tạng
4. Việc chính-trị
II. LÝ THÁI TÔNG
1. Lê phụng Hiểu định loạn
2. Sự đánh dẹp
3. Giặc Nùng
4. Đánh Chiêm-thành
5. Việc chính-trị
III. LÝ THÁNH TÔNG
1. Việc chính-trị
2. Lấy đất Chiêm-thành
IV. LÝ NHÂN TÔNG
1. Ỹ-lan thái-phi
2. Lý đạo Thành
3. Việc sửa-sang trong nước
4. Việc đánh nhà Tống
5. Nhà Tống lấy đất Quảng-nguyên
6. Đánh Chiêm-thành
I. LÝ THÁI-TỔ (1010-1028)
Niên-hiệu : Thuận-thiên
1.
Thái-Tổ khởi nghiệp.
Lý công Uẩn
người ở làng Cổ-pháp, nay thuộc về huyện Đông-ngạn,
phủ Từ-sơn, tỉnh Bắc-ninh (ở làng Đình-bảng có
lăng và đền thờ nhà Lý).
Tục truyền rằng Công Uẩn không có cha, mẹ là
Phạm-thị đi chơi chùa Tiêu-sơn (làng
Tiêu-sơn, phủ Từ-sơn), nằm mộng thấy đi lại với thần nhân
rồi về có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi đem cho
người sư ở chùa Cổ- pháp tên là Lý
khánh Văn làm con nuôi, mới đặt tên là
Lý công Uẩn.
Công Uẩn lớn lên vào Hoa-lư làm quan
nhà Tiền-Lê, đến chức Tả-thân- vệ Điện-tiền
Chỉ-huy-sứ. Khi Lê Long Đĩnh mất, thì Lý công
Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã
oán-giận nhà Tiền-Lê lắm, ở trong triều có
bọn Đào cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh mưu tôn
Lý công Uẩn lên làm vua.
Lý công Uẩn bèn lên ngôi
hoàng-đế, tức là vua Thái-tổ nhà Lý.
2. Dời Đô Về Thăng Long Thành.
Thái-tổ thấy đất Hoa-lư chật-hẹp không
có thể mở-mang ra làm chỗ đô-hội được, bèn
định dời đô về La-thành. Tháng 7 năm
Thuận-thiên nguyên-niên (1010), thì khởi sự
dời đô. Khi ra đến La-thành, Thái-tổ lấy cớ
có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn
đổi Đại-la thành là Thăng-long thành, tức
là thành Hà-nội bây giờ. Cải Hoa-lư
làm trường-an phủ và Cổ-pháp làm
Thiên-đức phủ.
3. Lấy Kinh Tam Tạng.
Nhà Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nhà vua trọng
đãi những người đi tu, lấy tiền kho ra để làm chùa
đúc chuông. Tháng 6 năm mậu-ngọ (1018) vua sai quan
là Nguyễn đạo Thanh và Phạm Hạc sang Tàu lấy kinh
Tam-tạng đem về để vào kho Đại-hưng.
4. Việc Chính Trị.
Lúc bấy giờ ở bên nhà Tống có nhiều việc,
cho nên cũng không sinh sự lôi thôi gì
với nước ta. Bởi vậy khi Thái-tổ lên làm vua, sai
sứ sang cầu phong, vua nhà Tống liền phong cho làm
Giao-chỉ quận-vương, sau lại gia phong Nam-bình-vương. Nước
Chiêm-thành và nước Chân-lạp đều sang triều
cống, cho nên việc bang-giao thời bấy giờ đều yên-trị.
ở trong nước cũng có đôi ba nơi nổi lên làm
loạn, như ở Diễn-châu (thuộc Nghệ-an) và ở mạn Thượng-du
hay có sự phản-nghịch, nhà vua phải thân chinh đi
đánh-dẹp mới yên được.
Thời bấy giờ các hoàng-tử đều phong tước vương và
phải cầm quân đi đánh giặc, bởi vậy ai cũng giỏi nghề
dùng binh.
Thái-tổ lưu tâm về việc sửa-sang trong nước: đổi
phép cũ của nhà Tiền- Lê; chia nước ra làm
24 lộ, gọi Hoan-châu và Ái-châu là
trại. Lại định ra 6 hạng thuế là : thuế ruộng, đầm, ao; thuế đất
trồng dâu và bãi phù-sa; thuế sản-vật ở
núi; thuế mắm-muối đi qua Aỉ-quan; thuế sừng tê,
ngà voi và hương ở trên mạn núi xuống; thuế
tre gỗ hoa quả. Vua cho những bậc công-chúa coi việc
trưng-thu các thứ thuế ấy.
Thái-tổ trị-vì được 19 năm thì mất, thọ 55 tuổi.
II. LÝ THÁI TÔNG (1028-1054)
Niên hiệu :
Thiên thành (1028-1033)
Thông-thụy (1034-1038)
Càn-phù-hữu-đạo (1039-1041)
Minh-đạo (1042-1043)
Thiên-cảm-thánh-võ (1044-1048)
Sùng-hưng-đại-bảo (1049-1054).
1. Lê Phụng Hiểu
Định Loạn.
Thái-tổ vừa mất chưa tế-táng xong, thì các
hoàng-tử là bọn Võ-đức-vương,
Dực-thánh-vương và Đông-chinh- vương đã đem
quân đến vây thành để tranh ngôi của
Thái-tử.
Bấy giờ các quan là bọn Lý nhân Nghĩa xin
Thái-tử cho đem quân ra thành quyết được thua một
trận. Khi quân của Thái-tử và quân các
vương đối trận, thì quan Võ-vệ tướng-quân là
Lê phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào
Võ-đức-vương mà bảo rằng : "Các người
dòm-ngó ngôi cao, khinh-dể tự- quân,
trên quên ơn Tiên-đế, dưới trái nghĩa
tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm
này !" Nói xong chạy xông vào chém
Võ-đức-vương ở trận tiền. Quân các vương
trông thấy sợ-hãi bỏ chạy cả. Dực-thánh-vương
và Đông- chinh-vương cũng phải chạy trốn.
Thái-tử Phật Mã lên ngôi, tức là vua
Thái-tông.
Dực-thánh-vương và Đông-chinh-vương xin về chịu
tội. Thái-tông nghĩ tình cốt-nhục bèn tha
tội cho, và lại phục chức cũ cho cả hai ngừơi.
Cũng vì sự phản-nghịch ấy cho nên vua
Thái-tông mới lập lệ: cứ hàng năm, các quan
phải đến đền Đồng-cổ (ở làng Yên-thái,
Hà-nội) làm lễ đọc lời thề rằng : "Làm con phải
hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỉ
thần làm tội". Các quan ai trốn không đến thề, phải
phạt 50 trượng.
2. Sự Đánh Dẹp.
Thái-tông là người có
thiên-tư đĩnh-ngộ, thông lục- nghệ, tinh thao-lược, gặp
lúc trong nước có nhiều giặc-giã, nhưng
ngài đã quen việc dùng binh, cho nên
ngài thường thân chinh đi đánh đông dẹp bắc.
Thời bấy giờ nhà vua không đặt quan tiết trấn; phàm
việc binh việc dân ở các châu, là đều giao cả
cho người châu-mục. Còn ở mạn thượng-du thì
có người tù-trưởng quản lĩnh. Cũng vì quyền những
người ấy to quá, cho nên thường hay có sự
phản-nghịch. Lại có những nước lân bang như Chiêm-
thành và Ai-lao thường hay sang quấy nhiễu, bởi vậy cho
nên sự đánh-dẹp về đời vua Thái-tông rất
nhiều.
3. Giặc Nùng.
Lúc ấy châu Quảng-nguyên (Lạng-sơn) có những
người Nùng cứ hay làm loạn. Năm mậu-đần (1038) có
Nùng tồn Phúc làm phản, tự xưng là
Chiêu-thành Hoàng-đế, lập A-nùng làm
Ninh-đức Hoàng-hậu, đặt quốc-hiệu là
Tràng-sinh-quốc rồi đem quân đi đánh-phá
các nơi.
Năm kỹ-mão (1039) Thái-tông thân chinh đi
đánh, bắt được Nùng tồn Phúc và con
là Nùng tri Thông đem về kinh làm tội.
Còn A-nùng và con là Nùng trí
Cao chạy thoát được.
Năm tân-tị (1041) Nùng trí Cao cùng với mẹ
là A-nùng về lấy châu Đảng-đo (gần châu
Quãng-nguyên) lập ra một nước gọi là Đại-lịch-quốc.
Thái-tông sai tướng lên đánh bắt được đem về
Thăng-long. Nhưng vua nghĩ trước đã giết cha và anh, nay
thương tình không giết, tha cho về và lại phong cho
làm Quãng-nguyên mục. Sau lại gia phong cho tước
Thái-bảo.
Năm mậu-tí (1048) Nùng trí Cao lại phản, xưng
là Nhân-huệ Hoàng-đế quốc-hiệu là Đại-nam.
Thái-tông sai quan thái-uý Quách
thịnh Dật lên đánh không được. Bấy giờ Trí
Cao xin phụ-thuộc vào nước Tàu, vua nhà Tống
không cho. Trí Cao bèn đem quân sang
đánh lấy Ung-châu, rồi chiếm cả thảy được 8 châu ở
đất Quảng-đông và Quảng-tây. Những châu ấy
là châu Hoành châu Quí, châu
Cung, châu Tầm, châu Đằng, châu Ngô, châu
Khang, châu Đoan.
Vua nhà Tống đã toan nhờ quân nhà Lý
sang đánh giúp nhưng tướng nhà Tống là Địch
Thanh can rằng : Có một Nùng trí Cao mà đất
Lưỡng Quảng không chế được, lại phải nhờ quân ngoại-quốc
vào đánh giúp. Nếu có ai nhân
đó mà nổi loạn, thì làm thế nào? Vua
nhà Tống nghe lời ấy bèn sai bọn Dư Tĩnh và
Tôn Miện đi đánh-dẹp giặc Trí Cao. Bọn Dư Tĩnh
đánh mãi không được, nhà Tống lấy làm
lo, nhân khi Trí Cao dâng biểu xin lĩnh chức
Tiết-độ-sứ châu Ung và châu Quí, vua
nhà Tống đã toan thuận cho, Địch Thanh can đi, và
xin đem quân đi đánh.
Địch Thanh ra hợp quân với bọn Dư Tĩnh và Tôn Miện
đóng ở Tân-châu (Liễu-châu tỉnh
Quảng-tây) rồi hội các tướng lại cấm không cho ra
đánh nhau với giặc. Bấy giờ có quan Kiềm-hạt tỉnh
Quảng-tây tên là Trần-Thự trái tướng lệnh đem
quân đi đánh bị thua, Địch Thanh đem chém đi, rồi
lệnh cho quân nghĩ 10 ngàỵ Quân đi thám biết
chuyện về báo Trí Cao biết. Trí Cao tưởng
là quân nhà Tống không dám
đánh, bèn không phòng-giữ. Địch Thanh đem
quân đến cửa Côn-lôn (gần phủ Nam-ninh) đánh
Nùng trí Cao. Lúc đang đánh nhau, Địch
Thanh đem quân kỵ đánh hai bên tả hữu, quân
của Trí Cao tan vỡ, tướng là bọn Hoàng sư Mật đều
tử trận.
Trí Cao chạy thoát trốn sang nước Đại-lý. Sau
người Đại-lý bắt Nùng trí Cao chém lấy đầu
đem nộp nhà Tống. Giặc Nùng từ đó mới yên.
4. Đánh Chiêm Thành.
Thái-tông lên làm vua
đã hơn 15 năm, mà nước Chiêm-thành
không chịu thông sứ và lại cứ quấy nhiễu ở mặt bể.
Thái- tông bèn sắp-sửa binh-thuyền sang đánh
Chiêm-thành.
Năm giáp-thân (1044) vua Thái-tông ngự
giá đi đánh Chiêm-thành. Quân
Chiêm-thành dàn trận ở phía nam sông
Ngũ-bồ(?) Thái-tông truyền thúc quân
đánh tràn sang, quân Chiêm-thành thua
chạy. Quân ta bắt được hơn 5.000 người và 30 con voi.
Tướng Chiêm-thành là Quách gia Gi
chém quốc-vương là Sạ Đẩu đem đầu sang xin hàng.
Bấy giờ quan quân chém giết người bản xứ rất nhiều,
máu chảy thành suối. Thái-tông trông
thấy động lòng thương, xuống lịnh cấm không được giết
người Chiêm-thành, hễ ai trái lệnh thì theo
phép quân mà trị tội.
Thái-tông tiến binh đến quốc đô là Phật-thệ
(nay ở làng Nguyệt-hậu, huyện Hương-thủy, tỉnh
Thừa-thiên), vào thành bắt được Vương-phi là
Mị Ê và các cung nữ đem về. Khi xa-giá về
đến sông Lý-nhân, Thái-tông cho
đòi Mị Ê sang chầu bên thuyền ngự . Mị Ê giữ
tiết không chịu, quấn chiên lăn xuống sông mà
tự-tử. Nay ở phủ Lý-nhân còn có đền thờ.
Thái-tông bắt về hơn 5.000 người Chiêm-thành
ban cho ruộng đất lập thành phường ấp mà làm ăn.
5. Việc Chính Trị.
Thái-tông tuy phải đánh dẹp
luôn, nhưng cũng không bỏ việc chính-trị trong nước,
bao giờ cũng để lòng thương dân. Hễ năm nào
đói kém hay là đi đánh giặc về, thì
lại giảm thuế cho hàng hai ba năm. Ngài sửa lại
luật-phép, định các bậc hình-phạt, các
cách tra-hỏi, và đặt lệ cho những người già người
trẻ, trừ khi phạm tội thập ác, thì được lấy tiền
mà chuộc tội. Nhân khi đổi luật mới, nhà vua đổi
niên-hiệu là Minh-đạo (1042).
Năm quí-mùi (1043) Thái-tông hạ chiếu cấm
không cho ai được mua hoàng-nam27 để làm nô.
Vua lại chia đường quan-lộ ra từng cung, đặt nhà trạm để chạy
giấy công-văn.
ở trong cung thì Thái-tôn định số hậu-phi và
cung-nữ như sau này : hậu và phi 13 người, ngự-nữ
là 18 người , nhạc kỹ 100 người. Những cung-nữ phải học nghề
thêu-dệt vóc-gấm.
Thái-tông trị-vì được 27 năm, đến năm
giáp-ngọ (1054) thì mất, thọ 55 tuổi.
III LÝ THÁNH-TÔNG (1054-1072)
Niên-hiệu :
Long-thụy thái-bình (1054-1058)
Chương-thánh gia-khánh (1059-1065)
Long-chương thiên-tự (1066-1067)
Thiên-huống bảo-tượng (1060)
Thần-võ (1069-1072).
1. Việc Chính Trị.
Thái-tử là Nhật Tôn lên
ngôi tức là vua Thánh-tông, ngài đổi
quốc-hiệu là Đại-Việt28.
Thánh-tông là một ông vua nhân-từ,
có lòng thương dân; một năm trời làm
rét lắm, Thánh-tông bảo những quan hầu gần rằng:
"Trẫm ở trong cung ăn-mặc như thế này còn rét,
nghĩ những tù-phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm
không có mà ăn, áo không có
mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian
ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết
thì thật là thương lắm". Nói rồi truyền lấy chăn
chiếu cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bửa ăn. Lại
có một hôm Thánh-tông ra ngự ở điện
Thiên-khánh xét án, có
Động-thiên công-chúa đứng hầu bên cạnh.
Thánh-tông chỉ vào công-chúa mà
bảo các quan rằng : "Lòng trẫm yêu dân cũng
như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm
càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về
sau tội gì cũng giãm nhẹ bớt đi" .
Vua Thánh-tông có nhân như thế, cho nên
trăm họ mến-phục, trong đời Ngài làm vua ít
có giặc-giã. Ngài lại có ý muốn
khai-hóa sự văn-học, lập văn-miếu, làm tượng
Chu-công Khổng-tử và 72 tiên-hiền để thờ. Nước ta
có văn-miếu thờ Khổng-tử và chư hiền khởi đầu từ đấy.
Việc binh-chính thì ngài đặt quân-hiệu
và chia ra làm tả hữu tiền hậu 4 bộ, hợp lại là
100 đội có lính kỵ và lính bắn đá.
Còn những phiên-binh thì lập ra thành đội
riêng không cho lẫn với nhau. Binh-pháp nhà
Lý bấy giờ có tiếng là giỏI, nhà Tống
bên Tàu đã phải bắt chước. Ấy là một sự
vẻ-vang cho nước mình bao nhiêu?
2. Lấy Đất Chiêm Thành.
Vua Thánh-tông đã nhân
mà lại dũng: nước Chiêm-thành hay sang quấy nhiễu,
ngài thân chinh đi đánh. Đánh lần đầu
không thành công, đem quân trở về. Đi đến
châu Cư-liên (?) nghe thấy người khen bà
Nguyên phi ở nhà giám quốc, trong nước được
yên-trị, Thánh-tông nghĩ bụng rằng: "Người
đàn bà trị nước còn được như thế, mà
mình đi đánh Chiêm-thành không
thành công, thế ra đàn-ông hèn lắm
à !" Lại đem quân trở lại đánh bắt được vua
Chiêm-thành là Chế Củ. Năm ấy là năm kỷ-dậu
(1069). Thánh-tông về triều, đổi niên-hiệu là
Thần-võ.
Chế Củ xin dâng đất ba châu để chuộc tội, là
châu Địa-lý, châu Ma-linh và châu
Bố-chính. Thánh-tông lấy 3 châu ấy và
cho Chế Củ về nước.
Những châu ấy nay ở địa-hạt tỉnh Quảng-bình và tỉnh
Quảng-trị.
Năm nhâm-tí (1072) Thánh-tông mất,
trị-vì được 17 năm, thọ 50 tuổi.
IV. LÝ NHÂN-TÔNG (1072-1127)
Niên-hiệu :
Thái-ninh (1072-1075)
Anh-võ chiêu-thắng (1076-1084)
Quảng-hữu (1085-1091)
Hội-phong (1092-1100)
Long-phù (1101-1109)
Hội-tường đại-khánh (1110-1119)
Thiên-phù duệ-võ (1120-1126)
Thiên-phù khánh-thọ (1127).
1. Ỷ Lan Thái-Phi.
Vua Nhân-tông là con bà
Ỹ-lan Thái-phi, người ở Siêu-loại (Bắc-ninh). Khi trước
vua Thánh-tông đã 40 tuổi mà không
có con, đi cầu tự qua làng Thổ-lội (sau đổi là
Siêu-loại rồi lại đổi là Thuận- quang), người đi xem đứng
đầy đường, có một người con gái đi hái dâu,
thấy xe nhà vua đi cứ đứng tựa vào cây lan chứ
không ra xem. Vua thấy thế lấy làm lạ, truyền gọi đem
vào cung, phong là Ỹ-lan phu-nhân. Được ít
lâu có thai đẻ ra hoàng-tử là Càn
Đức, được phong là Nguyên-phi.
Càn Đức làm thái-tử rồi lên nối ngôi,
tức là vua Nhân-tông, phong cho mẹ làm Ỹ-lan
thái phi.
Thái-phi tính hay ghen-ghét, thấy bà
Dương-thái-hậu giữ quyền, trong bụng không yên,
bèn xui vua bắt Thái-hậu và 72 người thị-nữ bỏ
ngục tối, rồi đem giết cả.
2. Lý Đạo Thành.
Lúc Nhân-tông lên làm vua mới có
7 tuổi, có quan Thái-sư là Lý đạo
Thành làm phụ-chính.
Ông Lý đạo Thành là người họ nhà vua,
tính rất đoan-chính, hết lòng lo việc nước. Thường
những lúc sớ tấu cứ hay nói đến việc lợi hại của
dân. Những quan-thuộc thì chọn lấy người hiền-lương
mà cất nhắc lên để làm mọi việc. Bởi vậy thời bấy
giờ trong thì sửa-sang được việc chính-trị, ngoài
thì đánh nhà Tống, phá quân
Chiêm. Ấy cũng nhờ có tôi hiền tướng giỏi cho
nên mới thành được công-nghiệp như vậỵ
3. Việc Sửa Sang Trong Nước.
Việc đánh-dẹp về đời vua
Nhân-tông thì nhiều, song những công-việc ở
trong nước cũng không bỏ trễ. Đời bấy giờ mới khởi đầu đắp
cái đê Cơ Xá để giữ đất kinh-thành cho khỏi
lụt ngập. Việc đắp đê khởi đầu từ đó.
Năm ất-mão (1075) mở khoa thi tam-trường để lấy người văn-học
vào làm quan. Kỳ thi ấy là kỳ đầu tiên ở
nước ta, chọn được hơn 10 người. Thủ- khoa là Lê văn
Thịnh. Ông Thủ-khoa ấy ngày sau làm đến chức
thái-sư, nhưng vì sự làm phản-nghịch, cho
nên phải đày lên ở Thao-giang (huyện Tam-nông,
Phú-thọ).
Năm bính-thìn (1076) lập Quốc-tử-giám để bổ những
người văn-học vào dạy. Đến năm bính-dần (1086) mở khoa
thi chọn người văn-học vào Hàn-lâm-viện, có
Mạc hiển Tích đỗ đầu, được bổ Hàn-lâm-học-sĩ.
Sự nho-học nước ta khởi đầu thịnh lên từ thời bấy giờ.
Năm kỷ-tị (1089) định quan-chế, chia văn võ ra làm 9
phẩm. Quan đại- thần thì có Thái-sư,
Thái-phó, Thái-uý và Thiếu-sư,
Thiếu-phó, Thiếu-uý. ở dưới những bậc ấy, đàng
văn-ban thì có Thượng-thư, tả hữu Tham-tri, tả hữu
Gián-nghị đại-phu, Trung-thư Thị-lang, Bộ Thị-lang v.v..
Đàng võ-ban thì có Đô-thống
Nguyên-súy, Tổng-quản khu-mật sứ, Khu-mật tả hữu-sứ,
Kim-ngô thượng-tướng, đại-tướng, đô-tướng, Chư-vệ
tướng-quân v.v...
ở ngoài các châu-quận, văn thì có
Tri-phủ, Phán-phủ, Tri-châu, võ thì
có Chư-lộ trấn trại-quan.
4. Việc Đánh Nhà Tống.
Từ nhà Đinh, nhà Lê trở đi, tuy Tàu
không sang cai-trị nước ta nữa, nhưng vẫn cứ lăm-le có
ý muốn xâm-lược. Đến khi vua Thần-tông nhà
Tống (1068-1078) có quan Tể-tướng là Vương an Thạch đặt
ra phép mới để cải-tổ việc chính-trị nước Tàu.
Nguyên nhà Tống bấy giờ bị nước Bắc-liêu và
nước Tây-hạ ức hiếp, hằng năm phải đem vàng bạc và
lụa vải sang cống hai nước ấy. Mà trong nước thì
không có đủ tiền để chi dụng. Vua Thần-tông mới
dùng ông Vương an Thạch làm Tể-tướng để sửa-sang
mọi việc.
Vương an Thạch29đặt ra ba phép về việc tài-chính
và 2 phép về việc binh-chính.
Việc Tài Chính :
1. Phép thanh miêu: là khi lúa
còn xanh thì nhà nước cho dân vay tiền, đến
khi lúa chín thì dân lại phải trả tiền lại,
tính theo lệ nhà nước đã định mà trả tiền
lãi.
2. Phép miễn dịch: là cho những người dân
đinh mà ai phải sưu-dịch thì được nộp tiền, để nhà
nước lấy tiền ấy thuê người làm.
3. Phép thị dịch: là đặt ra một sở
buôn-bán ở chốn kinh-sư, để có những thứ
hàng-hóa gì mà dân-sự bán
không được, thì nhà nước mua thu cả lấy mà
bán. Những người con-buôn mà ai cần phải vay tiền
thì cho vay, rồi cứ tính theo lệ nhà nước
mà trả tiền lãi.
Việc Binh Chính:
1. Phép
bảo giáp: là lấy dân làm lính.
Chia ra 10 nhà làm một bảo, 500 nhà làm một
đô-bảo. Mỗi bảo có đặt hai người chánh phó
để dạy dân luyện-tập võ-nghệ
2. Phép bảo
mã: là nhà nước giao ngựa cho các bảo
phải nuôi, có con nào chết thì dân
phải theo giá đã định mà thường lại.
Khi năm phép ấy thi-hành ra thì dân nước
Tàu đều lấy làm oán-giận, vì là
trái với chế-độ và phong-tục cũ.
Vương an Thạch lại có ý muốn lập công ở
ngoài biên, để tỏ cái công-hiệu viêc.
cải-tổ của mình. Bấy giờ ở Ung-châu có quan
tri-châu là Tiêu Chú biết ý Vương an
Thạch, mới làm sớ tâu về rằng: nếu không đánh
lấy đất Giao- châu thì về sau thành một điều lo cho
nước Tàu.
Vua nhà Tống nghe lời tâu ấy, sai Tiêu Chú
kinh-lý việc đánh Giao-châu. Nhưng Tiêu
Chú từ chối, lấy việc ấy làm khó, đang không
nổi. Nhân lúc ấy lại có Thẩm Khởi tâu
bày mọi lẽ nên đánh Giao-châu. Vua nhà
Tống bèn sai Thẩm Khởi làm Tri-châu châu Quế.
Thẩm Khởi ra thu-xếp mọi việc theo ý Vương an Thạch, nhưng sau
không biết tại lẽ gì phải bãi về. Tống-triều cho
Lưu Gi ra thay.
Lưu Gi sai người đi biên các khe ngòi, các
đồn-lũy, sửa binh-khí, làm thuyền-bè và lại
cấm không cho người ở châu huyện gần đấy đi lại
buôn-bán với người Giao-châu.
Bên Lý-triều ta thấy sự tình như thế mới viết thư
sang hỏi Tống-triều, thì Lưu Gi lại giữ lại không đệ về
kinh. Lý-triều tức giận, bèn sai Lý thường Kiệt
và Tôn Đản đem 10 vạn binh chia ra làm 2 đạo, thủy
bộ cùng tiến sang đánh nhà Tống, lấy cớ rằng
nhà Tống đặt ra phép mới làm khổ trăm họ. Vậy
quân Đại-Việt sang đánh để cưú-vớt
nhân-dân, v.v.....
Năm ất-mão (1075) Lý thường Kiệt đem quân sang
vây đánh Khâm- châu và
Liêm-châu (thuộc tỉnh Quảng-đông) giết hại hơn 8.000
người. Đạo quân của Tôn Đản sang đánh Ung-châu
(tức là thành Nam-ninh thuộc tỉnh Quảng-tây), quan
Đô-giám Quảng-tây là Trương thủ Tiết đem binh
lại cưú Ung-châu, bị Lý thường Kiệt đón
đánh ở Côn-lôn quan (gần Nam-ninh) chém
Trương thủ Tiết ở trận tiền.
Tôn Đản vây thành Ung-châu hơn 40 ngày,
quan tri-châu là Tô Dam kiên cố giữ
mãi. Đến khi quân nhà Lý hạ được
thành, thì Tô Dam bắt người nhà tất cả
là 36 người chết trước, rồi tự đốt mà chết. Người trong
thành cũng bắt-chước quan tri-châu, không ai chịu
hàng cả. Quân nhà Lý vào thành
giết hại gần đến 58.000 (?) người.
Lý thường Kiệt và Tôn Đản sang đánh
nhà Tống giết hại cả thảy đến 10 vạn người, rồi lại bắt người
lấy của đem về nước.
5. Nhà Tống Lấy Đất Quảng
Nguyên.
Tống-triều đươc. tin quân nhà
Lý sang đánh-phá ở châu Khâm,
châu Liêm và châu Ung, lấy làm tức-giận
lắm, bèn sai Quách Quì làm
Chiêu-thảo-sứ, Triệu Tiết làm phó, đem 9 tướng
quân cùng hội với nước Chiêm-thành và
Chân-lạp chia đường sang đánh nước Nam ta.
Tháng chạp năm bính-thìn (1076) quân
nhà Tống vào địa-hạt nước ta. Lý-triều sai
Lý thường Kiệt đem binh đi cự địch. Thường Kiệt đánh chặn
quân nhà Tống ở sông Như-nguyệt (làng
Như-nguyệt ở Bắc-ninh, tức là sông Cầu bây giờ).
Quân nhà Tống đánh trận ấy chết hơn 1.000 người,
Quách Quì tiến quân về phía tây, đến
đóng ở bờ sông Phú-lương30.
Lý thường Kiệt đem binh-thuyền lên đón đánh
không cho quân nhà Tống sang sông. Quân
Tống mới chặt gỗ làm máy bắn đá sang như mưa,
thuyền của ta thủng nát mất nhiều, quân-sĩ chết
hàng mấy nghìn người. Lúc bấy giờ quân
nhà Tống đánh hăng lắm, Lý thường Kiệt hết sức
chống giữ, nhưng sợ quân mình có ngã
lòng chăng, bèn đặt ra một chuyện nói rằng
có thần cho bốn câu thơ :
Nam-quốc sơn-hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm -phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quân-lính nghe đọc mấy câu thơ ấy, ai nấy đều nức
lòng đáng giặc, quân nhà Tống không
tiến lên được. Hai bên cứ chống giữ nhau mãi.
Lý- triều sợ đánh lâu không lợi, bèn
sai sứ sang Tống xin hoãn binh.
Vua Tống thấy quân mình không tiến lên được,
mà lại đóng ở chỗ chướng địa, quân-sĩ trước sang
hơn 8 vạn, sau chết đến quá nửa, cho nên cũng thuận
hoãn-binh lui về, chiếm-giữ châu Quảng-nguyên
(bây giờ là châu Quảng-uyên, tỉnh Cao-bằng),
châu Tư-lang (bây giờ là châu Thượng-lang
và Hạ-lang, tỉnh Cao-bằng), châu Tô, châu Mậu
(ở giáp-giới tỉnh Cao-bằng và tỉnh Lạng-sơn) và
huyện Quảng-lang (Ôn-châu, tỉnh Lạng-sơn).
Đến năm mậu-ngọ (1078) Lý nhân Tông sai Đào
tôn Nguyên đưa voi sang cống nhà Tống và
đòi lại những châu huyện ở mạn Quảng-nguyên. Vua
Tống bắt phải trả những người châu Khâm, châu
Liêm và châu Ung mà quân nhà
Lý bắt về ngày trước, rồi mới trả châu huyện cho
nhà Lý. Sang năm kỷ-mùi (1079)
Nhân-tông cho những người Tàu về nước , tất cả chỉ
có 221 người. Con trai thì thích ba chữ vào
trán, từ 15 tuổi trở lên thì thích:
Thiên-tử binh; 20 tuổi trở lên thì thích: Đầu
Nam-triều; còn con gái thì thích vào
tay trái hai chữ : Quan-khách.
Đất Quảng-nguyên từ khi bọn Quách Quì lấy được, cải
tên là Thuận- châu và có 3.000
quân Tống ở lại giữ, nhưng vì đất lam-chướng, mười phần
chết đến năm sáu.
Đến khi nhà Lý cho những người châu Khâm,
châu Liêm và châu Ung về Tàu, vua
nhà Tống trả lại châu Quảng-nguyên. Nhưng vì
có người nói rằng châu ấy có nhiều
vàng, người Tống tiếc của, làm hai câu thơ rằng :
Nhân tham Giao-chỉ tượng.
Khước thất Quảng-nguyên kim.
Đến mùa hạ năm giáp-tí (1084)
Nhân-tông sai quan binh-bộ Thị-lang là Lê văn
Thịnh sang nhà Tống bàn việc chia địa-giới. Lê văn
Thịnh phân-giãi mọi lẽ, nhà Tống trả nốt cả mấy
huyện mà trước còn giữ lại. Từ đó nước ta
và nước Tàu lại thông sứ như cũ.
Năm đinh-mão (1087) vua nhà Tống phong cho
Nhân-tông là Nam-bình-vương.
Nhà Tống bấy giờ đã suy-nhược, đến năm bính-ngọ
(1126) nước Kim (Mãn-châu) sang lấy mất cả phía bắc
nước Tàu, nhà Tống dời đô về đóng ở
Hàng-châu (thuộc Chiết-giang) gọi là Nam-tống.
6. ĐÁNH CHIÊM-THÀNH.
Nước Chiêm-thành thỉnh-thoảng cứ hay sang quấy-nhiễu,
đánh thế nào cũng không được. Năm ất-mão
(1075) trước khi đi đánh nhà Tống, Lý thường Kiệt
đã sang đánh Chiêm-thành, vẽ được địa-đồ ba
châu của Chế Cũ đã nhường ngày trước, rồi cho người
sang ở.
Năm quí-mùi (1103) ở Diễn-châu (thuộc Nghệ-an)
có Lý Giác làm phản. Lý thường Kiệt
vào đánh, Lý Giác thua chạy sang
Chiêm-thành đem quốc- vương là Chế ma Na sang
đánh lấy lại ba châu Ma-linh, Bố-chính, v.v... Sang
năm sau là năm giáp-thân (1104) vua
Nhân-tông sai Lý thường Kiệt vào đánh
Chiêm-thành. Chế ma Na thua chạy xin trả lại ba châu
như cũ.
Lý thường Kiệt bấy giờ đã ngoài 70 tuổi đi
đánh Chiêm-thành về được một năm thì mất.
Ông là người ở phường Thái-hoà, huyện
Thọ-xương (thành phố Hà-nội), có tướng tài,
tinh thao-lược, bắc đánh Tống, nam bình Chiêm, thật
là một người danh-tướng nước ta vậy.
Từ khi bình-phục được nước Chiêm-thành rồi,
các nước ở phía nam đều về triều-cống.
Nhân-tông làm vua đến năm đinh-vị (1127) thì
mất, trị-vì được 56 năm, thọ 63 tuổi.
---------------------------------
{27 Hoàng Nam là người từ 18 tuổi trở
lên. }
{28 Từ nhà Đinh đến bây giờ, nước ta vẫn gọi là Đại
Cồ Việt, nay mới đổi là Đại Việt. }
{29 Xin xem "Vương An Thạch" của Đào Trinh Nhất - Tân Việt
xuất bản. }
{30 Sách "Khâm-định Việt-sử" có chép rằng
sông Phú-lương là con sông đi từ Bạch-hạc qua
Nam- định rồi chảy ra bể, tức là sông Hồng-hà.
Nhưng xem trận thế bấy giờ và xét ở trong địa-lý
thì sông Phú-lương chép ở đây
chính là sông Cầu, chứ không phải sông
Hồng-hà. Nếu lúc bấy giờ Lý thường Kiệt đã
phá quân nhà Tống ở sông Như-nguyệt tức
là khúc dưới sông Cầu, thì tất nhà
Lý còn đóng ở mạn sông Cầu. Quân
Quách Quì làm thế nào mà tiến đến
sông Hồng-hà được ? Vả lại ở Thái-nguyên hiện
bây giờ có huyện Phú-lương, huyện ấy về đời
nhà Lý, nhà Trần là Phú-lương phủ,
mà chính con sông Cầu chảy qua địa-hạt ấy.
Có lẽ là những nhà chép sử đời trước thường
không thuộc địa-lý cho nên chép lầm
sông Phú-lương là sông Nhị-hà, vậy ta
nên cải lại. }
Chương
5
NHÀ LÝ
(Tiếp theo)
V. Lý Thần Tông
VI. Lý Anh Tông
1. Đỗ Anh Vũ
2. Tô Hiến Thành
3. Giặc Thân Lợi
4. Việc chính trị
VII. Lý Cao Tông
1. Tô Hiến Thành làm phụ chính
2. Sự nội loạn
VIII. Lý Huệ Tông
1. Trần thị
2. Quyền về họ Trần
XI. Lý Chiêu Hoàng
V. LÝ THẦN-TÔNG (1128-1138)
Niên-hiệu:
Thiên Thuận (1128-1132)
Thiên Chương Bảo Tự (1133-1137)
Nhân-tông không có con, lập con của
hoàng-đệ là Sùng-hiền-hầu lên làm
thái-tử, nay lên nối ngôi, tức là vua
Thần-Tông31.
Bấy giờ có các quan đại-thần là bọn ông
Trương Bá Ngọc, Lưu Khánh Đàm, Dương Anh Nhị
giúp Thần-tông trị nước. Ngài vừa lên
ngôi thì đại xá cho các tù phạm,
và trả lại những ruộng đất tịch thu của quan dân
ngày trước. Quân lính thì cho đổi
phiên, cứ lần lượt 6 tháng một, được về làm ruộng.
Như thế việc binh không làm ngăn-trở việc canh-nông.
Giặc-giã thời bấy giờ cũng ít. Một hai khi có
người Chân-lạp và người Chiêm-thành sang quấy
nhiễu ở mạn Nghệ-An, nhưng đó là những đám
cướp-phá vặt vãnh không mấy nỗi mà quan
quân đánh đuổi đi được.
Thần Tông làm vua được 10 năm thì mất, thọ 23 tuổi.
VI. LÝ ANH-TÔNG (1138-1175)
Niên-hiệu:
Thiệu Minh (1138-1139)
Đại-định (1140-1162)
Chính-long bảo-ứng (1163-1173)
Thiên-cảm chí bảo (1174-1175)
1. Đỗ Anh Vũ.
Thần-tông mất, triều đình tôn
Thái-tử là Thiên Tộ lên làm vua, tức
là vua Anh-tông.
Anh-tông bấy giờ mới có 3 tuổi, Thái-hậu là
Lê-thị cầm quyền nhiếp chính. Lê Thái-hậu lại
tư thông với Đỗ anh Vũ, cho nên phàm việt gì
bất cứ lớn nhỏ đều ở tay Đỗ anh Vũ quyết đoán cả. Đỗ anh Vũ được
thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu ngạo và khinh-dể
đình-thần. Các quan như bọn Vũ Đái, Nguyễn Dương,
Nguyễn Quốc và Dương tự Minh thấy Đỗ anh Vũ lộng quyền
quá độ, đều lo mưu trừ đi, nhưng sự không thành lại
bị giết-hại cả.
May nhờ thời bấy giờ có nhiều tôi giỏi như Tô hiến
Thành, Hoàng nghĩa Hiền, Lý công Tín
làm quan đại triều cho nên Đỗ anh Vũ không
dám có ý khác.
2. Tô Hiến Thành
Ông Tô hiến Thành giúp vua Anh-tông đi
đánh dẹp, lập được nhiều công to, như là bắt được
giặc Thân Lợi, phá được giặc Ngưu Hống và dẹp
yên giặc Lào, được phong làm chức
Thái-úy coi giữ việc binh. Ông luyện tập
quân-lính, kén-chọn những người tài giỏi để
làm tướng hiệu. Bởi vậy binh-thế nhà Lý lúc
bấy giờ lại phấn-chấn lên. Ông giỏi việc võ
và chăm việc văn. Ông xin vua khai-hóa việc
học-hành, và làm đền thờ đức Khổng-Tử ở cửa nam
thành Thăng-Long, để tỏ lòng mộ nho học.
3. Giặc Thân Lợi.
Vua Anh-tông vừa mới lên làm vua được 2 năm,
thì ở mạn Thái-nguyên có giặc Thân-Lợi
làm loạn.
Thân Lợi xưng là con riêng vua
Nhân-tông, trước đã xuất gia đi tu, rồi chiêu
tập những đồ vong mạng hơn 1,000 người, chiếm giử mạn
Thái-nguyên, xưng vương phong tước, đem quân đi
đánh phá khắp nơi. Quan quân đánh mãi
không được.
Năm tân-dậu (1141) Thân Lợi về vây phủ
Phú-lương, Đỗ anh Vũ đem quân lên đánh,
Thân Lợi chạy lên Lạng-châu, tức là Lạng-sơn
bị ông Tô hiến Thành đuổi bắt được, đem về kinh
làm tội.
4. Việc Chính Trị.
Năm giáp-thân (1164) vua nhà
Tống đổi Giao-chỉ quận làm An-nam quốc, và phong cho
Anh-tông làm An-nam quốc-vương.
Nguyên khi trước Tàu gọi ta là Giao-chỉ quận, rồi
sau đổi là Giao- châu, đến thời nhà Đường đặt
An-nam đô-hộ-phủ. Nhà Đinh lên đặt Đại-Cồ-Việt, vua
Lý Thánh-tông đổi là Đại-Việt. nhưng
Tàu vẫn phong cho vua ta là Giao-chỉ quận-vương, đến bấy
giờ mới đổi là An-nam quốc-vương. Nước ta thành tên
là nước An-nam khởi đầu từ đấy.
Năm tân-mão và năm nhâm-thìn
(1171-1172) Anh-tông đi chơi xem sơn-xuyên hiểm-trở,
đường-sá xa gần và sự sinh-hoạt của dân-gian, rồi
sai quan làm quyển địa-đồ nước An-nam33.
Năm ất-mùi (1175), Anh-tông phong cho Tô hiến
Thành làm Thái- phó
Bình-chương-quân-quốc trọng-sự và phong vương tước.
Anh-tông đau, uỷ thác Thái-tử là Long
Cán cho Tô hiến Thành. Anh-tông mất, trị
vì được 37 năm, thọ 40 tuổi.
VII. LÝ CAO-TÔNG (1176-1210)
Niên-hiệu:
Trinh-phù (1176-1185)
Thiên-gia bảo-hữu (1202-1204)
Trị-bình-long-ứng (1205-1210).
1. Tô Hiến Thành
Làm Phụ Chánh.
Khi vua Anh-tông mất, Thái-tử Long Cán chưa đầy 3
tuổi, bà Chiêu-linh Thái-hậu muốn lập người con
trưởng là con mình tên là Long Xưởng33
lên làm vua, đem vàng bạc đút lót cho
vợ Tô hiến Thành, nhưng ông nhất thiết không
chịu, bèn cứ theo di-chiếu mà lập Long Cán, tức
là vua Cao-tông.
Tô hiến Thành giúp vua Cao-tông trị nước, đến
năm kỷ hợi(1179) thì mất. Sử chép rằng khi ông đau
có quan Tham-tri chính sự là Vũ tán Đường,
ngày đêm hầu hạ. Đến khi bà Đỗ Thái-Hậu34 ra
thăm hỏi ngày sau ai thay được ông, ông tâu
rằng: có quan Gián-nghị đại-phu Trần trung Tá.
Thái-hậu ngạc nhiên nói rằng tại sao không cử
Vũ tán Đường? Ông đáp: "Nếu bệ-hạ hỏi người hầu-hạ,
thì xin cử người Tán Đường, hỏi người giúp nước
thì tôi xin cử người Trung-Tá".
Tô hiến Thành không những là một người
có tài thao-lược, dẹp giặc yên dân mà
thôi, cách thờ vua thật là trung-thành cho
nên người đời sau thường ví ông với Gia cát
Lượng đời Tam-quốc bên Tàu.
Tô hiến Thành mất rồi, Triều-đình không theo
lời ông ấy dặn, cử Đỗ yên Di làm phụ chính
và Lý kính Tu làm đế-sư. Đình-thần
bấy giờ có người đứng đắn, cho nên bà
Chiêu-linh Thái-hậu không dám mưu sự phế-lập.
Đến khi Cao-tông lớn lên cầm quyền trị nước, thì cứ
đi săn bắn chơi bời, làm cung xây điện, bắc trăm họ phải
phục-dịch khổ-sở. Ngoài biên thì quân mường
thổ ở bên Tàu sang quấy nhiễu ở phía bắc, người
Chiêm-thành sang đánh ở phía nam; trong nước
thì nổi lên như ong dấy. Vua tôi không ai lo
nghĩ gì về chính-trị, chỉ làm những việc
nhũng-lạm, mua quan bán chức, hà-hiếp
nhân-dân, lấy tiền để làm những việc xa-xỉ.
2. Sự nổi loạn.
Năm bính-thìn (1208) ở Nghệ-an có Phạm Du,
chiêu nạp những đồ vong mệnh, cho đi cướp các thôn
dân, có bụng làm phản. Cao-tông sai quan
Phụng-ngự là Phạm bỉnh Di đi đánh Phạm Du. Bỉnh Di đem
quân vào đến nơi đánh đuổi Phạm Du đi và
tịch-biên cả của-cải, đốt phá cả nhà cửa.
Phạm Du cho người về kinh, lấy vàng bạc đút lót
với các quan trong triều, để vu cho Bỉnh Di làm việc hung
bạo, giết hại những kẻ không có tội, và Phạm Du lại
xin về triều để kêu oan.
Cao-tông nghe lời, cho vời Phạm Du vào chầu và
triệu Phạm bỉnh Di về.
Bỉnh Di về kinh vào chầu, Cao-tông truyền bắt giam, lại
toan đem làm tội. Bấy giờ có bộ tướng của Bỉnh Di
là Quách Bốc đem quân phá cửa thành
vào cứu Bỉnh Di.
Cao-tông thấy biến, bèn đem giết Phạm bỉnh Di đi, rồi
cùng với Thái- tử chạy lên Qui Hóa
(sông Thao-giang ở phía bắc huyện Tham-nông,
Phú- thọ). Thái-tử Sam thì chạy về HảI-ấp,
làng Lưu-gia (bây giờ là làng Lưu-xá,
huyện Hưng-nhân).
Bọn Quách Bốc đưa xác Bỉnh Di ra mai táng xong
rồi, lại vào điện tôn Hoàng-tử Thẩm lên
làm vua.
Khi Thái-tử Sam chạy về Hải-ấp vào ở nhà Trần
Lý. Nguyên Trần Lý là người làng
Tức-mạc (huyện Mỹ-lộc, phủ Xuân-trường, tỉnh Nam-định) làm
nghề đánh cá, nhà giàu, có nhiều
người theo phục, sau nhân buổi loạn cũng đem chúng đi cướp
phá. Đến khi Thái-tử Sam chạy về đấy, thấy con gái
Trần Lý có nhan sắc, lấy làm vợ, rồi phong cho
Trần Lý tước Minh-tự và phong cho người cậu Trần-thị
là Tô trung Từ, người ở làng Lưu-gia làm
Điện-tiền Chỉ-huy-sứ.
Anh em họ Trần mộ quân về kinh dẹp loạn, rồi lên
Qui-hóa rước Cao-tông cho quân về làng
Lưu-gia đón Thái-tử, còn Trần-thị thì về ở
nhà Trần Lý.
Cao-tông về kinh được một năm thì phải bệnh, đến
tháng 10 năm canh-ngọ (1210) thì mất, trị-vì được
35 năm, thọ 38 tuổi.
VIII. Lý Huệ Tông (1211-1225)
Niên-hiệu:
Kiến-gia (1211-1224)
1. Trần Thị.
Thái-tử Sam lên ngôi, tức là vua
Huệ-tông, rồi sai quan đi rước Trần-thị về phong làm
Nguyên-phi.
Bấy giờ Trần Lý đã bị quân cướp giết, chúng
theo về người con thứ là Trần tự Khánh. Huệ-tông
bèn phong cho tự Khánh làm Chương-tín-hầu
và cho người cậu Trần-thị làm Thái-úy
Thuận-lưu-bá.
Năm quí-dậu (1213) Thái-hậu làm khổ Trần-thị ở
trong cung, anh Trần-thị là Tự Khánh đem quân đến
chốn kinh sư, nói rằng xin rước vua đi. Huệ-tông
không biết tình-ý gì, nghi Tự Khánh
có ý phản-nghịch bèn giáng Trần-thị xuống
làm Ngự-nữ. Tự Khánh nghe tin ấy, thân đến
quân môn xin lỗi và rước vua đi. Huệ-tông
càng nghi lắm, bèn cùng với Thái-hậu đi
lên Lạng-châu (Lạng-sơn).
Tự Khánh lại phát binh xin rước vua như trước,
Huệ-tông sợ lại rước Thái-hậu về huyện Bình-hợp
(?).
Khi bấy giờ bà Thái-hậu cho Tự Khánh là
phản-trắc, thường chỉ mặt Trần-thị mà xỉ mắng và xui
Huệ-tông bỏ đi. Huệ-tông không nghe. Thái- hậu
định bỏ thuốc độc cho Trần-thị, nhưng Huệ-tông biết ý, đến
bữa ăn thì ăn một nửa, còn một nửa cho Trần-thị ăn
và ngày đêm không cho đi đâu. Sau
vì Thái-hậu làm ngặt quá, Huệ-tông
và Trần-thị đêm bèn lẻn ra đi đến nhà
tướng-quân Lê Mịch ở huyện Yên-duyên rồi lại
đến Cửu-liên (?), cho đòi Tự Khánh đến chầu.
2. QUYỀN VỀ HỌ TRẦN.
Trần tự Khánh đem quân đến hộ giá. Huệ-tông
phong Trần-thị làm Hoàng-hậu, Tự Khánh làm
Phụ-chính và người anh Tự Khánh là Trần
Thừa làm Nội-thị Phân-thủ. Trần tự Khánh
cùng với Thượng-tướng-quân là Phân Lân
sửa-sang quân ngũ, làm đồ chiến-khí, luyện-tập việc
võ. Từ đấy quân-thế lại nổi dần dần lên.
Huệ-tông phải bệnh, thỉnh-thoaảng có cơn điên, rồi
cứ uống rượu say cả ngày, có việc chính-trị đều ở
tay Tự Khánh quyết đoán cả.
Đến tháng chạp năm quí-mùi (1228) Tự Khánh
mất, Huệ-tông cho Trần Thừa làm Phụ-quốc
Thái-úy, sang năm sau lại cho người em họ
Hoàng-hậu là Trần thủ Độ làm Điện-tiền chỉ-huy-sứ.
Từ đó việc gì ở trong triều cũng quyền ở Thủ Độ cả.
Huệ-tông có bệnh mãi không khỏi, mà
Thái-tử thì chưa có, Trần-thị thì chỉ sinh
được hai người con gái, người chị là Thuận-thiên
công-chúa thì đã gả cho Trần Liễu là
con trưởng của Trần Thừa; con người em là Chiêu-
thánh công chúa tên là Phật-kim
thì mới lên 7 tuổi, Huệ-tông yêu mến lắm, cho
nên mới lập làm Thái-tử. Tháng 10 năm
giáp-thân (1224) Huệ-tông truyền ngôi cho
Chiêu-thánh công-chúa, rồi vào ở
chùa Chân-giáo.
Huệ-tông trị vì được 14 năm.
IX. LÝ CHIÊU-HOÀNG (1225)
Niên-hiệu:
Thiên-chương-hữu-đạo (1224-1225)
Chiêu-thánh công-chúa lên ngôi,
tức là vua Chiêu-hoàng. Bấy giờ quyền-chính
ở cả Trần thủ Độ. Thủ Độ lại tư thông với Trần Thái hậu,
đêm ngày mưu lấy cơ-nghiệp nhà Lý,
bèn đòi các con quan vào trong cung để hầu
Chiêu-hoàng, và lại cho cháu là Trần
Cảnh vào làm chức Chính-thủ. Đến tháng chạp
thì Chiêu-hoàng lấy Trần Cảnh và truyền
ngôi cho chồng.
Nhà Lý đến đấy là hết, cả thảy làm vua được
216 năm, truyền ngôi được 9 đời.
Nhà Lý có công làm cho nước Nam ta
nên được một nước cường-thịnh: ngoài thì
đánh nước Tàu, bình nước Chiêm, trong
thì chỉnh-đốn việc võ-bị, sửa-sang pháp-luật,
xây vững cái nền tự-chủ. Vì vua Cao-tông
hoang chơi, làm mất lòng người, cho nên
giặc-giã nổi lên, loạn thần nhiễu sự. Vua Huệ-tông
lại nhu-nhược bỏ việc chính-trị, đem giang-sơn
phó-thác cho người con gái còn đang
thơ-dại, khiến cho kẻ gian-hùng được nhân dịp mà
lấy giang-sơn nhà Lý và lập ra cơ-nghiệp
nhà Trần vậy.
-------------------------------
{31 Tục truyền rằng Thần Tông là con cầu
tự được, mà Ngài chính là ông Từ Đạo
Hạnh hóa xác sinh ra. Ở Bắc Việt ai đi đến chùa
Thầy (thuộc Sơn Tây) cũng nghe nói sự tích
ông Từ Đạo Hạnh và ông Nguyễn Minh Không.
Chuyện hoang đường, không thể tin là sự thật được. }
{32 Quyển địa đồ ấy bây giờ không thấy còn di
tích ở đâu cả. }
{33 Long Xưởng trước đã lập làm Thái Tử, sau
vì có tội phải giáng xuống làm thứ
dân. }
{34 Đỗ Thái Hậu là mẹ đẻ ra Cao Tông. }
nguồn: vnthuquan.net
Trở Lại
Trang Mặt |