Đền Quốc Tổ Hùng Vương





Việt Nam Sử Lược





Đức Hưng Đạo Vương




Đức Nguyễn Trãi


Đức Quang Trung







Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net



Việt Nam Sử Lược

Trần Trọng Kim



Phần II : Bắc-Thuộc Thời-Đại
(11 tr. Tây-lịch-931 sau Tây-lịch)

Chương 1

Bắc-Thuộc Lần Thứ I
(111 tr. Tây-lịch - 39 sau Tây-lịch)


1. Chính-Trị nhà Tây-Hán
2. Tích Quang và Nhâm Diên


1. Chính-Trị nhà Tây-Hán.
Năm canh ngọ (111 tr. Tây-lịch) vua Vũ-đế nhà Hán sai Lộ-Bác-Đức và Dương Bộc sang đánh nhà Triệu, lấy nước Nam-việt rồi cải là Giao-chỉ-bộ, và chia ra làm 9 quận, là những quận này:

 
1. Nam-hải: (Quảng-đông)
2. Thương-ngô: (Quảng-tây)
3. Uất-lâm: (Quảng-tây)
4. Hợp-phố: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
5. Giao-chỉ: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
6. Cửu-chân: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
7. Nhật-nam: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía Bắc Trung-Việt)
8. Châu-nhai: (đảo Hải-nam)
9. Đạm-nhĩ: (đảo Hải-nam)

Mỗi quận có quan thái-thú coi việc cai-trị trong quận và lại có quan thứ-sử để giám sát các quận. Ở trong quận Giao-chỉ thì có những lạc tướng hay lạc hầu vẫn được thế tập giữ-quyền cai trị các bộ lạc tựa hồ như các quan lang ở mạn thượng-du đất Bắc-Việt bây giờ.
Quan thứ-sử trước tiên là Thạch Đái , đóng phủ cai trị ở Long-uyên. Có sách chép là phủ trị thủa ấy đóng ở Lũng-khê, thuộc phủ Thuận-thành bây giờ.
Từ đời vua Vũ-đế cho đến hết đời nhà Tây-Hán không thấy sử nói gì đến đất Giao-chỉ nữa. Mãi đến năm kỷ-sửu (năm 29 Tây lịch) là năm Kiến-Võ thứ 5 đời vua Quang-vũ nhà Đông Hán thì mới thấy chép rằng thứ-sử Giao- chỉ là Đặng Nhượng sai sứ về cống nhà Hán. Bởi vì khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, bọn Đặng-Nhượng, Tích Quang và Đỗ Mục ở Giao chỉ giữ châu quận, không chịu phục Vương Mãn. Đến khi vua Quang-Vũ trung hưng lên, bọn Đặng Nhượng mới sai sứ về triều cống.

2. Tích Quang và Nhâm Diên.
Về đầu thế-kỷ đệ nhất có hai người sang làm thái-thú trị dân có nhân-chính. Một người tên là TÍCH QUANG làm thái-thú Giao-chỉ, một người tên là NHÂM DIÊN làm thái thú quận Cửu-chân.
Tích Quang sang làm thái-thú quận Giao-chỉ từ đời vua Bình-đế nhà Tây Hán, vào quãng năm thứ hai, thứ ba về thế kỷ đệ nhất. Người hết lòng lo việc khai-hóa, dạy dân lấy điều lễ-nghĩa, cho nên dân trong quận có nhiều người kính phục.
Nhâm Diên ở Cửu-chân được 4 năm thì được thăng chức về Tàu đi làm quan chỗ khác. Dân-sự quận ấy ái-mộ Nhâm Diên, làm đền thờ. Cớ người vì được nhờ quan thái-thú cho nên sau sinh con ra, lấy tên Nhâm mà đặt tên cho con để tỏ lòng biết ơn.


Chương 2

TRƯNG-VƯƠNG
(40-43)



1. Trưng-Thị khởi binh
2. Mã Viện sang đánh Giao-chỉ


1. Trưng-Thị khởi binh.

Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ 10, vua Quang-vũ sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao-chỉ.
Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao-chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm canh-tí (40) người ấy lại giết Thi Sách người ở quận Châu-Diên (phủ Vĩnh tường, trước thuộc về Sơn Tây, nay thuộc về tỉnh Vĩnh- yên).
Vợ Thi Sách là Trưng-Trắc con gái quan lạc tướng ở huyện Mê-linh (làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên) cùng với em gái là Trưng-Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải.
Lúc bấy giờ những quận Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng-Thị. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65 thành-trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê-linh, là chỗ quê nhà.

2. Mã-Viện sang đánh Giao-Chỉ.

Năm tân-sửu (41) vua Quan-vũ sai Mã Viện làm Phục-ba tướng-quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với quan Lâu-thuyền tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng-vương.
Mã Viện là một danh-tướng nhà Đông-Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ để phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng-bạc, gặp quân Trưng-Vương hai bên đánh nhau mấy trận11. Quân Trưng-vưng là quân ô-hợp không đương nổi quân Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cẩm-khê ( phủ Vĩnh- tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn, thuộc huyện Phúc-lộc (nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gia mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí -mão (43).
Những tướng của hai bà là bọn Đô Dương chạy vào giữ huyện Cư- phong thuộc quận Cửu-chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, bọn Đô Dương đều phải ra hàng.
Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài-trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ hai bà để nghi-tạc cái danh-tiếng hai người nữ anh-hùng nước Việt-nam ta12.
Sử-gia Lê văn Hưu nói rằng: "Trung Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi tiếng đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng!"

-----------------------------
{11 Sử chép rằng Lãng-bạc là Hồ-tây ở gần Hà-nội, nhưng có người bác đi bảo không. }
{12 Nay ở làng Hát-môn, huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn Tây và ở bãi Đồng-nhân, ở gần Hà-nội có đền thờ hai bà, đến ngày mồng 6 tháng 2 thì có hội . }


Chương 3

Bắc-Thuộc Lần Thứ II
(43-544)


I . Nhà Đông Hán
1. Chính Trị nhà Đông Hán
2. Lý Tiến và Lý Cầm
3. Sỹ Nhiếp
II. Đời Tam Quốc
1. Nhà Đông Ngô
2. Bà Triệu (Triệu thị Chinh)
3. Nhà Ngô chia đất Giao-châu
III. Nhà Tấn
1. Chính-trị nhà Tấn
2. Nước Lâm-ấp quấy nhiễu Giao-châu
IV. Nam Bắc-triều
1. Tình thế nước Tàu
2. Việc đánh Lâm-ấp
3. Sự biến loạn ở đất Giao-châu


 

I. Nhà Đông-Hán (25-220)
 
1. Chính-Trị nhà Đông-Hán.
Mã Viện đánh được Trưng-vương đem đất Giao-chỉ về thuộc nhà Hán như củ, rồi chỉnh đốn binh lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đấy và biến cải mọi cách chính trị trong các châu quận. Đem phủ-trị về đóng Mê-linh13 và dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới, khắc sáu chữ: "Đồng trụ chiết, Giao-chỉ diệt." Nghĩa là cây đồng trụ mà đổ thì người Giao-chỉ mất nòi.
Sử chép rằng người Giao-chỉ đi qua lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân cột đồng-trụ một hòn đá, cho nên về sau chỗ ấy thành ra núi, phủ mất cả, đến bây giờ không biết cột ấy ở chỗ nào.
Từ đó chính-trị nhà Đông Hán càng ngày càng ngặt thêm, mà những quan-lại sang cai-trị Giao-chỉ thường có lắm người tàn-ác, tham nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu-báu. Dân ở quận Hợp-phố cứ phải xuống bể mò ngọc trai khổ quá, đến nổi phải bỏ xứ mà đi.
Triều đình thì xa, quan-lại ra cai-trị thì tha hồ mà tung-hoành, tiếng oan-ức kêu không thấu vào đâu, cho nên thường hay có sự loạn-lạc, làm cho dân-gian phải nhiều sự khổ-sở.

2. Lý Tiến và Lý Cầm.
Quan cai-trị đã tàn-ác, nhà vua lại bạc đãi người bản xứ. Đời bấy giờ người mình dẫu có học hành thông thái cũng không được giữ việc chính-trị. Mãi đến đời vua Linh-đế(168-189) cuối nhà Đông-Hán mới có một người bản xứ là Lý Tiến được cất lên làm Thứ -sử ở Giao-chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin cho người Giao chỉ được bổ đi làm quan như ở Trung-châu bên Tàu. Nhưng Hán-đế chỉ cho những người đỗ mậu tài hoặc hiếu-liêm được làm lại-thuộc ở trong xứ mà thôi, chứ không được đi làm quan ở châu khác. Bấy giờ có người Giao-chỉ tên là Lý Cầm làm lính túc-vệ hầu vua ở trong điện, rủ mấy người bản xứ ra phục xuống sân mà kêu cầu thảm thiết. Hán-đế mới cho một người Giao-chỉ đỗ mậu-tài đi làm quan-lệnh ở Hạ dương và một người đỗ hiếu-liêm làm quan-lệnh ở Lục-hợp. Về sau Lý Cầm làm đến quan Tư-lệ Hiệu -úy và lại có Trương Trọng cũng là người Giao-chỉ làm thái thú ở Kim-thành. Người Giao-chỉ ta được làm quan như người bên Tàu, khởi đầu từ Lý Tiến và Lý Cầm vậy.
 
3. Sĩ Nhiếp (187-226).
Về cuối đời nhà Đông-Hán, giặc cướp nổi lên khắp cả bốn phương, triều-đình không có uy-quyền ra đến ngoài, thiên-hạ chỗ nào cũng có loạn. Đất Giao-chỉ bấy giờ nhờ có quan thái-thú là Sĩ Nhiếp cùng với anh em chia nhau giữ các quận huyện, cho nên mới được yên.
Tiên-tổ nhà ông Sĩ Nhiếp là người nước Lỗ, vì lúc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, mới tránh loạn sang ở đất Quảng-Tín, quận Thương-ngô, đến đời ông thân sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. Ông thân sinh tên là Sĩ Tứ làm thái thú quận Nhật-nam, cho Sĩ Nhiếp về du học ở đất Kinh-sư, đỗ hiếu liêm được bổ Thượng-thư-lang, vì việc quan phải cách, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ mẫu-tài được bổ sang làm Thái-thú ở quận Giao-chỉ.
Năm quí-mùi (203) là năm thứ 3 đời vua Hiến-đế quan Thứ-sử là Trương Tân cùng với quan Thái-thú Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao-chỉ làm Giao-Châu. Vua nhà Hán Thuận cho. Sau vì trong châu có lắm giặc-giã, Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho mấy anh em làm Thái-thú quận Cửu- chân, quận Hợp phố và quận Nam-Hải. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao-châu khỏi loạn và vẫn giữ lệ triều cống như cũ, cho nên vua Hiến-đế lại phong cho chức An-viễn tướng quân Long-độ đình-hầu Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương.
Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán cai trị đất Giao-chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao-chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có nho- học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là một người có văn học trong khi làm quan, lo mở-mang sự học-hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ-nghĩa, cho nên về sau mới được, cái tiếng làm học tổ ở nước Nam tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn.

II. Đời Tam-Quốc (220-265)

 
1. Nhà Đông-Ngô (222-280).
Nhà Đông-Hán mất ngôi thì nước Tàu phân ra làm ba nước: Bắc-ngụy, Tây-thục, Đông-ngô. Đất Giao- châu bấy giờ thuộc về Đông-ngô.
Sĩ Nhiếp ở Giao-châu được 40 năm, tuy thiệt có uy-quyền ở cõi Giao- châu, nhưng vẫn theo lệ triều cống nhà Hán, và đến khi nhà Hán mất thì lại triều cống nhà Ngô.
Năm bính-ngọ (226) là năm Hoàng-vũ thứ 5 nhà Ngô, Sĩ Nhiếp mất, con Sĩ Huy tự xưng làm Thái-thú. Ngô-chủ là Tôn quyền bèn chia đất Giao- châu, từ Hợp phố về bắc gọi là Quảng-châu. Sai Lữ Đại làm Quảng Châu thứ sử, Đái Lương làm Giao-châu thứ sử, và sai Trần Thì sang thay Sĩ Nhiếp làm thái-thú quận Giao-chỉ.

Bọn Đái Lương và Trần Thì sang đến Hợp-phố thì Sĩ Huy đem quân ra chống giữ. Thứ Sử Quảng châu là Lữ Đại mới tiến quân sang đánh dẹp, và cho người đến dụ Sĩ Huy ra hàng. Sĩ Huy đem 5 anh em ra hàng, Lữ Đại sai bắt Sĩ Huy đem chém đi, còn mấy anh em thì đem về Ngô-triều làm tội.
Ngô-chủ lại hợp Quảng-Châu và Giao-Châu lại làm một, và phong cho Lữ Đại làm Thứ-sử. Lữ Đại đem quân đi đánh quận Cửu-chân có công được phong làm Giao-châu-mục.

2. Bà Triệu (Triệu Thị Chinh)14

Năm mậu-thìn (248) là năm xích-ô thứ 11 nhà Đông ngô, Ngô chủ sai Lục Dậu sang làm thứ-sử Giao-châu.
Năm ấy ở quận Cửu-chân có người đàn bà tên là Triệu Thị Chinh khởi binh đánh nhà Ngô.
Sử ta chép rằng bà Triệu là người huyện Nông-cống bấy giờ. Thủa nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu quốc Đạt, dến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí-khí và lắm mưu-lược. Khi vào ở trong núi chiêu mộ hơn 1,000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể đông chứ không thèm bắt-chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì-thiếp người ta."
Năm mậu-thìn (248) vì quan-lại nhà Ngô tàn-ác, dân-gian khổ-sở, Triệu quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu-chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu quốc Đạt thấy bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi bà ra trận thì cưỡi voi và mặc áo giáp vàng là Nhụy-kiều tướng-quân.
Thứ sử Giao-châu là Lục Dận đem quân đi đánh, bà chống nhau với nhà Ngô được năm sáu tháng . Nhưng vì quân ít thế cô, đánh mãi phải thua, bà đem quân chạy đến xã Bồ-điền (nay là xã Phú-điền thuộc huyện Mỹ-hóa) thì tự-tử. Bấy giờ mới 23 tuổi.
Về sau vua Nam Đế nhà Tiền-Lý, khen là người trung-dũng sai lập miếu thờ, phong là: "Bất chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu-nhân". Nay ở xã Phú-điền, tỉnh Thanh-hóa còn đền thờ.

3. Nhà Ngô chia đất Giao-Châu.
Năm giáp-thân (264) là năm Nguyên-hưng nguyên-niên, vua nhà Ngô lại lấy đất Nam-hải, Thương-ngô và Uất-lâm làm Quảng-châu, đặt châu-trị ở Phiên ngung; lấy đất Hợp-phố, Giao-chỉ, Cửu-chân, và Nhật-nam làm Giao Châu, đặt châu-trị ở Long Biên. Đất Nam-Việt của nhà Triệu ngày trước thành ra Giao-châu và Quảng-châu từ đấy.
Đất Giao-châu đời bấy giờ cứ loạn-lạc mãi, những quan-lại nhà Ngô thì thường là người tham-tàn, vơ-vét của dân, bởi vậy người Giao-châu nổi lên giết quan thái-thú đi rồi về hàng nhà Ngụy.
Năm ất dậu (256) nhà Tấn cướp ngôi nhà Ngụy, rồi sai quan sang giữ Giao-châu. Nhà Ngô sai Đào Hoàng sang lấy lại. Đào Hoàng được phong là Giao-châu mục. Năm canh tí (280) nhà Ngô mất nước. Đào Hoàng về nhà Tấn, được giữ chức cũ. Đất Giao-châu từ đó thuộc về nhà Tấn.

III Nhà Tấn (256-420)

 
1. Chính-Trị Nhà Tấn.
Nhà Tấn được thiên-hạ rồi, thấy nhà Ngụy vì thế cô mà mất, bèn đại phong cho họ-hàng và sai ra trấn các nơi để làm vây cánh cho nhà vua. Nhưng cũng vì lẽ ấy mà các thân vương thường vì lòng tham danh-lợi cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em trong nhà, cốt nhục tương tàn, mà ngôi vua cũng thành ra suy nhược.
Thời bấy giờ ở phía tây-bắc có những người nhung-địch thấy nhà Tấn có nội loạn, bèn lũ-lượt nổi lên chiếm giữ dần dần lấy cả vùng phía bắc sông Trường-giang rồi xưng đế, xưng vương, như nước Triệu, nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, nước Hán v. v... cả thảy trước sau đến 16 nước, gọi là loạn Ngũ-Hồ15.
Đất Giao-châu ta vẫn thuộc về nhà Tấn. Những quan lại sang cai-trị cũng như quan lại đời nhà Hán, nhà Ngô, thỉnh thoảng mới gặp được một vài người nhân từ tử tế, thì dân gian mới được yên ổn, còn thì là những người tham lam, độc-ác, làm cho nhân dân phải lầm than khổ sở. Cũng lắm khi bọn quan lại có những người phản nghịch đánh giết lẫn nhau, làm cho trong nước cứ phải loạn lạc luôn.

2. Nước Lâm-Ấp quấy nhiễu Giao-Châu.
ĐẤt Giao-châu lúc bấy giờ trong thì có quan lại nhũng-nhiễu, ngoài thì có người nước Lâm-ấp vào đánh phá.
Nước Lâm-Ấp (sau gọi là Chiêm-Thành) ở từ quận Nhật-nam vào cho đến Chân-Lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng-Bình, Quảng-Trị cho đến đất Nam-Việt bây giờ. Người Lâm-ấp có lẽ là nòi giống Mã-lai, theo tông giáo và chính trị Ấn Độ. Nước ấy cũng là một nước văn minh và cường thịnh ở phía nam lúc bấy giờ, nhưng không rõ nước ấy khởi đầu thành nước từ lúc nào. Sách "Khâm-định Việt Sử" chép rằng: năm nhâm-dần (102) đời nam có huyện Tượng-lâm, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai-trị ở huyện ấy, để phòng giữ sự rối loạn.
Đến cuối đời nhà Hán có người huyện Tương-lâm tên là Khu Liên giết huyện-lệnh đi, rồi tự xưng làm vua, gọi nước là Lâm-ấp. Dòng dõi Khu Liên thất truyền, bởi vậy cháu ngoại của Phạm Hùng lên nối nghiệp.
Trong đời Tam-quốc, người Lâm-ấp hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam và quận Cửu-chân, bởi vậy khi nhà Tấn đã lấy được Đông-ngô rồi, ý muốn giảm bớt quân ở các châu quận, nhưng quan thứ sử Giao-châu là Đào Hoàng dâng sớ về tâu rằng: "Vua nước Lâm-ấp là Phạm Hùng thông với nước Phù Nam hay sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam nếu lại giảm bớt quân ở Giao-châu đi, thì sợ quân Lâm-ấp lại sang đánh phá."
Xem như vậy thì nước Lâm-Ấp đã có từ đầu đệ nhị thế kỷ.
Phạm Hùng truyền cho con là Phạm Dật. Phạm Dật mất, thì người gia nô là Phạm Văn cướp mất ngôi. Phạm Văn truyền cho con là Phạm Phật.
Năm quí-sửu (353) đời vua Mục-đế nhà Đông-Tấn, thứ-sử Giao-châu là Nguyễn Phu đánh vua Lâm-ấp là Phạm Phật, phá được hơn 50 đồn lũy. Phạm Phật mất, truyền ngôi lại cho con cháu là Phạm Hồ-Đạt. Năm kỷ hợi (399) Phạm Hồ-Đạt đem quân sang đánh lấy hai quận Nhật-nam và Cửu- chân rồi lại đi đánh Giao-châu. Bấy giờ có thái thú quận Giao-chỉ là Đỗ Viện đánh đuổi người Lâm-Ấp, lấy lại hai quận. Đỗ Viện được phong làm Giao- châu thứ-sử.
Năm quí-sửu (413) Phạm Hồ-Đạt lại đem quân sang phá ở quận Cửu-chân. Khi bấy giờ con Đỗ Viện là Đỗ Tuệ-Độ làm Giao-châu thứ sử đem binh ra đuổi đánh, chém được tướng Lâm-ấp là bọn Phạm Kiện và bắt được hơn 100 người.
Người Lâm-Ấp vẫn còn hay tính đi cướp phá, cứ năm ba năm lại sang quấy nhiễu ở đất Nhật nam. Đỗ Tuệ-Độ định sang đánh Lâm-ấp để trừ cái hại về sau, bèn đến năm canh-thân (420) cất binh mã sang đánh, chém giết tàn hại, rồi bắt người Lâm-ấp cứ hàng năm cống tiến: voi, vàng, bạc, đồi-mồi v.v. Từ đó mới được tạm yên.

Dòng dõi Phạm Hồ-Đạt làm vua được mấy đời lại bị quan Lâm-ấp là Phạm Chư Nông cướp mất ngôi. Phạm Chư Nông truyền cho con là Phạm Dương Mại.
Khi Phạm Dương Mại làm vua nước Lâm-ấp, thì nhà Tấn đã mất rồi, nước Tàu phân ra Nam-triều và Bắc-triều. Phạm Dương Mại lại nhân dịp đó sang quấy nhiễu Giao châu.

IV. NAM BẮC-TRIỀU (420-588)

 
1. Tình-Thế Nước Tàu.
Năm canh thân (420) Lưu Dụ cướp ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam. Lúc bấy giờ ở phía Bắc thì nhà Ngụy gồm được cả nước Lương, nước Yên, nước Hạ. Nước Tàu phân ra làm Nam-Triều và Bắc Triều. Bắc Triều thì có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu nối nhau làm vua; Nam-Triều thì có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần kế nghiệp trị-vì.

2. Việc đánh Lâm-Ấp.
Trong đời nhà Tấn về năm Quí dậu (433) đời vua Văn-đế, vua nước Lâm-ấp là Phạm Dương Mại thấy nước Tàu loạn-lạc, bèn sai sứ sang cống nhà Tống và xin lĩnh đất Giao-châu để cai trị. Nhưng vua nhà Tống không cho.
Từ đó nước Lâm-ấp lại sang cướp phá ở mạn Nhật-nam và Cửu- chân. Vua nhà Tống bèn sai quan thứ-sử là Đàn Hòa Chi và Tông Xác làm phó tướng đem binh sang đánh Lâm-ấp. Phạm Dương Mại đem quân ra chống cự.
Đàn Hòa Chi và Tông Xác tiến quân chém được tướng, phá được thành, quân Lâm-ấp vỡ tan, Phạm Dương Mại cùng với con chạy thoát được. Đàn Hòa Chi vào đất Lâm-ấp lấy được vàng bạc châu báu rất nhiều. Sử chép rằng Đàn Hòa Chi lấy được một cái tượng bằng vàng mấy người ôm không xuể, đem nấu-đúc được hơn 10 vạn cân. Từ đấy người Tàu biết Lâm-ấp có nhiều của, cứ chực sang lấy. Đàn Hòa Chi cũng từ đấy bị gièm pha, phải cách chức đuổi về.

3. Sự biến-loạn -- Đất Giao-Châu.
Năm Kỷ-Mùi (479) nhà Tống mất ngôi, nhà Tề kế nghiệp, trị vì được 22 năm thì nhà Lương lại cướp ngôi nhà Tề.
Trong đời Nam Bắc Triều, đất Giao-châu không được mấy khi yên ổn, vì quan Tàu sang cai-trị có nhiều người thấy bên Tàu loạn, cũng muốn tìm cách để độc-lập, bởi vậy quan lại cứ giết lẫn nhau.
Đời nhà Lương lại sai Tiêu-Tư sang làm thứ sử Giao-châu. Tiêu Tư là một người tàn bạo, làm cho lòng người ai cũng oán giận. Bởi vậy ông Lý Bôn mới có cơ hội mà nổi lên, lập ra nhà Tiền Lý.

---------------------------------
{13 Về cuối đời Đông Hán lại dời về Long Biên. }
{14 Bà Triệu, các kỳ xuất bản trước để là Triệu Ẩu. Nay xét ra nên để là Triệu Thị Chinh. }
{15 Ngũ Hồ là 5 rợ: Hung Nô và rợ Yết (chủng loại Mông Cổ), rợ Tiên Ti (chủng loại Mãn Châu), rợ Chi và rợ Khương (chủng loại Tây Tạng) }



Chương 4

Nhà Tiền Lý
(544 - 602)


1. Lý Nam Đế
2. Triệu Việt Vương
3. Hậu Lý Nam Đế


1. Lý Nam Đế (544-548).
Năm Tân Dậu (541) là năm Đại Đồng thứ 7 đời vua Vũ Đế nhà Lương, ở huyện Thái Bình (16) có một người tên là Lý Bôn, tài kiêm văn võ, thấy nước mình, trong thì quan lại Tàu làm khổ, ngoài thì người Lâm Ấp cướp phá, bèn cùng với những người nghĩa dũng nổi lên, đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu, rồi chiếm giữ lấy thành Long Biên.
Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu. Tổ tiên ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu, đến lúc bấy giờ là bảy đời, thành ra người bản xứ. Khi chiếm giữ được đất Giao Châu rồi, ông sửa sang mọi việc, định lập nghiệp lâu dài. Qua năm Quí Hợi (543) quân Lâm Ấp lại sang phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước.
Năm Giáp Tí (544) đời nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức, rồi phong cho Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, và Phạm Tu là tướng võ.
Năm Ất Sửu (545) vua nhà Lương sai Dương Phiêu sang làm thứ sử Giao Châu, và sai Trần Bá Tiên đem quân sang đánh Nam Việt. Lý Nam Đế thua phải bỏ thành Long Biên chạy về giữ thành Gia Ninh (huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên). Trần Bá Tiên đem quân lên vây thành Gia Ninh, Lý Nam Đế chạy về giữ thành Tân Xương, tức là đất Phong Châu cũ thuộc tĩnh Vĩnh Yên bây giờ.
Nhà Lương lại tiến lên đuổi đánh, Lý Nam Đế thấy thế mình yếu, chống không nổi, mới rút quân lên đóng ở động Khuất Liêu (thuộc đất Hưng Hóa), để đợi thu xếp được quân sĩ lại ra đánh. Được non một năm, Lý Nam Đế đem hai vạn quân ra đánh nhau với Trần Bá Tiên ở hồ Điển Triệt (?), lại thua. Lý Nam Đế bèn giao binh quyền lại cho tả tướng quân Triệu Quang Phục chống nhau với quân nhà Lương rồi trở về Khuất Liêu.
Triệu Quang Phục là con quan thái phó Triệu Túc người ở Châu Diên (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên) theo cha giúp Lý Nam Đế lập được nhiều công, nay đem quân chống cự với nhà Lương được ít lâu, rồi sau thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ Trạch (17). Dạ Trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà ở được. Triệu Quang Phục vào ở đấy, ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc mộc ra đánh quân của Trần Bá Tiên, cướp lấy lương thực về nuôi quân sĩ. Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Người thời bấy giờ gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương.

2. Triệu Việt Vương (549-571).

Năm Mậu Thìn (548) Lý Nam Đế ở trong Khuất Liêu phải bệnh mất, sang năm sau Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch được tin ấy bèn xưng là Việt Vương. Bấy giờ quân của Việt Vương đã sắp hết lương, mà mãi không phá được quân Tàu. May nhờ gặp lúc bên Tàu có loạn Hầu Cảnh, vua nhà Lương phải triệu Trần Bá Tiên về để người tì tướng là Dương Sân ở lại chống cự với Triệu Quang Phục. Quang Phục mới thừa thế đem quân ra đánh phá quân Tàu, rồi về lấy lại thành Long Biên.
Khi Lý Nam Đế thất thế chạy về Khuất Liêu thì người anh họ là Lý Thiên Bảo cùng với người họ là Lý Phật Tử đem quân chạy vào quận Cửu Chân, rồi bị quân nhà Lương đuổi đánh chạy sang Lào, đến đóng ở động Dã Năng, xưng là Đào Lang Vương, quốc hiệu là Dã Năng.
Năm Ất Hợi (555) là năm thứ 7 đời Triệu Việt Vương, Lý Thiên Bảo mất, không có con, binh quyền về cả Lý Phật Tử. Đến năm Đinh Sửu (557) Lý Phật Tử đem quân về chống với Triệu Việt Vương. Đánh nhau mấy trận không được, Phật Tử mới xin chia đất giảng hòa. Triệu Việt Vương nghĩ tình họ Lý, cũng thuận chia đất cho Lý Phật Tử.
Lý Phật Tử đóng ở Ô Diên (nay ở vào làng Đại Mỗ, thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông). Triệu Việt Vương đóng ở Long Biên, lấy bãi Quân Thần làm giới hạn (bãi ấy thuộc làng Thượng Các, huyện Từ Liêm). Triệu Việt
Vương lại gả con gái cho Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau. Nhưng Phật Tử vẫn có ý muốn thôn tính, bởi vậy bề ngoài tuy hòa hiếu, nhưng bề trong vẫn sửa soạn để đánh lấy Long Biên.
Năm Tân Mão (571), Phật Tử bất thình lình đem quân đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thua chạy đến sông Đại Nha (nay ở huyện Đại An, tỉnh Nam Định), nhảy xuống sông tự tận. Người ở đấy cảm nhớ Triệu Việt Vương, mới lập đền thờ ở chỗ sông Đại Nha. Nay còn có đền thờ ở làng Đại Bộ, gần huyện Đại An.

3. Hậu Lý Nam Đế (571-602).

Lý Phật Tử lấy được thành Long Biên rồi, xưng đế hiệu, đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), sai Lý Đại Quyền giữ Long Biên và Lý Phổ Đỉnh giữ Ô Diên.
Trong khi Lý Phật Tử làm vua ở Nam Việt thì vua Văn Đế nhà Tùy đã gôm cả Nam Bắc, nhất thống nước Tàu. Đến năm Nhâm Tuất (602) vua nhà Tùy sai tướng là Lưu Phương đem quân 27 doanh sang đánh Nam Việt.
Lưu Phương sai người lấy lẽ họa phúc để dụ Lý Phật Tử về hàng. Hậu Lý Nam Đế sợ thế không địch nổi bèn xin về hàng.
Từ đấy đất Giao Châu lại bị nước Tàu cai trị 336 năm nữa.

-------------------------------
{16 Cứ theo sách "Khâm Định Việt Sử" thì huyện Thái Bình thuộc về Phong Châu ngày trước, nay ở vào địa hạt tỉnh Sơn Tây nhưng mà không rõ là chỗ nào, chứ không phải là phủ Thái Bình ở Sơn Nam mà bây giờ là tỉnh Thái Bình. }
{17 Bây giờ thuộc phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. }


nguồn:vnthuquan.net   

Trở lên mục lục
                                                            
  Trở Lại Trang Mặt